Thế giới có muối hồng Himalaya, Việt Nam có muối hồng Bạc Liêu
Anh Nguyễn Thanh Sang và Nguyễn Thanh Mộng ở xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu đang kiểm tra những hạt muối hồng. Ảnh: Dương Đình Tường.
Cầm “vàng” trong tay mà tưởng là đất
TS Ngô Kiều Oanh - chuyên gia về nông nghiệp và du lịch trong dịp tình cờ được Quỹ Môi trường Toàn cầu - một tổ chức phi chính phủ của Liên Hợp Quốc mời vào thăm đồng muối của huyện Hòa Bình và huyện Đông Hải của tỉnh Bạc Liêu. Mục đích của chuyến đi là để bà tìm hiểu về muối và cách tạo thêm sinh kế cho diêm dân như chỉnh trang lại nhà cửa, làm hương ước nông thôn, phát triển du lịch trải nghiệm muối. Đến nơi thì cán bộ địa phương cứ hướng bà tìm hiểu về loại muối trải bạt đang rất thịnh ở đó, năng suất cao, hạt muối trắng tinh và đẹp đẽ.
Nhưng người của quỹ trực thuộc Liên Hợp Quốc kia lại rất dị ứng với loại muối trải bạt này vì sợ có lượng rác nhựa khổng lồ sau này sẽ tồn đọng và những hạt vi nhựa ở trong hạt muối. Họ chỉ quan tâm đến muối thủ công. Mà nghề làm muối thủ công ở Bạc Liêu đang dần chết. Chết đầu tiên bởi vì dân đặt tên nó là muối đất hay muối đen khiến người tiêu dùng mặc định nó là bẩn.
TS Ngô Kiều Oanh nói: “Phải đổi tên là muối hồng Bạc Liêu vì nó màu hồng và thực sự đẹp. Nếu như ở miền Bắc có muối phơi trên nền cát thì ở miền Nam có muối phơi trên nền đất phù sa. Loại muối hồng sản xuất từ nguồn nước cửa biển giàu phù sa, kết tinh chính trên nền đất phù sa”.
Mà theo tài liệu quốc tế phù sa thường có nhiều khoáng chất quý như vàng và bạch kim cùng những loại đá quý khác nên rất có lợi cho sức khỏe. Muối thủ công Bạc Liêu do dẫn nước biển phù sa vào nên có màu trắng hồng, hạt khô chắc, không tạp và mùi, không bị đắng chát, hậu vị ngọt.
Cánh đồng muối hồng Bạc Liêu. Ảnh: Phan Thanh Cường.
Mỗi lọ muối hồng Himalaya của Pakistan bán ở thị trường Việt Nam nặng 110 gram có giá 60.000đ mà đó là muối cục, khai thác từ mỏ. Trong khi đó 1kg muối hồng Bạc Liêu, loại hạt to và đẹp, làm từ nước biển chỉ có giá 3.000-4.000đ. Chênh lệch đến cả trăm lần vì người Việt Nam chưa biết kể một câu chuyện về muối như người Pakistan, như người Ấn Độ, không biết quảng bá những giá trị dinh dưỡng khác biệt trong hạt muối hồng Bạc Liêu, cầm “vàng” trong tay mà tưởng là đất. Xưa công tử Bạc Liêu sở dĩ là người dân thường Việt Nam đầu tiên mua được máy bay riêng bởi vì ông làm giàu từ hai thứ hạt thóc và hạt muối.
Trên thị trường nhiều người đang bán muối công nghiệp hoặc muối thô khai thác từ mỏ chứa nhiều kim loại chưa qua xử lý để làm muối thực phẩm. Thành phần chính của muối tự nhiên và muối công nghiệp đều là NaCl tuy nhiên việc đưa nhiều natri vào cơ thể và còn rất ít các loại vi chất khoáng biển tự nhiên là một trong những nguyên nhân chính gây tăng huyết áp, các bệnh tim mạch và các bệnh liên quan tới tuyến giáp. Muối có độ mặn cao gồm muối công nghiệp, muối mỏ nhập khẩu, còn nhóm muối biển sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống trong nước, có độ mặn thấp, nhiều khoáng chất rất có lợi cho sức khỏe...
Nghề làm muối ở Bạc Liêu có tuổi đời hàng trăm năm, thời Pháp thuộc đã nổi tiếng với sản phẩm muối ba thắt. Năm 2019 muối Bạc Liêu được Cục Sở hữu Trí tuệ chứng nhận đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Năm 2020, nghề làm muối ở Bạc Liêu được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 2021 tỉnh Bạc Liêu tổ chức lễ công nhận di sản văn hóa phi vật thể ấy ở huyện Đông Hải. Ông Phan Văn Phúc - một diêm dân của xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình đã được đại diện đi dự và nhận bằng khen.
Nhà kho trữ muối của ông Phan Văn Phúc - một diêm dân của xã Vĩnh Thịnh. Ảnh: Dương Đình Tường.
Muối ngọt nhưng đời người lại đắng
Ông Phúc năm nay 70 tuổi thì có 50 năm làm nghề muối và là một “vua muối” thời hiện đại khi 10 năm trước từng làm tới 50 ha, sản lượng lên tới 90.000 giạ mỗi vụ. Giờ đám ruộng muối ấy được chia cho đàn con, ông chỉ còn lại 18 ha, trong đó ½ làm theo kiểu trải bạt cao sản, ½ làm theo kiểu nền đất thủ công truyền thống. Giá thuê nhân công cao và khó tìm vì nghề làm muối quá nặng nhọc, chưa có máy móc hỗ trợ như làm lúa nên những công đoạn dầm, cào gom, vác đều hết sức vất vả. Thêm vào đó, hạt muối truyền thống lại đang bị hạt muối xuất khẩu đè sấp, đè ngửa.
“Xưa giá muối tăng cả một vụ 6 tháng liền cho đến vụ sau có muối mới giá mới xuống. Giờ, giá muối vừa tăng chút là chỉ 1 tháng sau muối công nghiệp từ Trung Quốc, Ấn Độ đã nhập về, cạnh tranh rất dữ, kéo giá xuống, dù muối ấy độ mặn cao, đắng, nhẳng chứ không dịu, nhẹ như muối làm trên nền đất của ta”, ông Phúc phàn nàn.
Giữa tiết trời nóng nực, ông Nguyễn Văn Bạc đánh trần ngồi trong ngôi nhà thấp lè tè. Ông sinh năm 1945, được mẹ chôn nhau cắt rốn ở ấp Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu này. 17 tuổi ông đã bắt đầu làm muối và có tới 58 năm trong nghề.
"Làm muối cực muốn chết hà! Mồ hôi đóng trên lưng áo cũng thành những hạt muối nhỏ, mặn đắng luôn. Nhưng được cái vùng này người ta nuôi tôm “ăn” heo, “ăn” đất, “ăn” mất cả nhà mà làm muối thì không, chỉ có lời ít hay thất ít”, ông rổn rảng kể.
Ông Nguyễn Văn Bạc - một diêm dân ở xã Vĩnh Thịnh bên bát muối hồng. Ảnh: Dương Đình Tường.
Với 4 ha đồng muối, mỗi vụ trung bình ông làm được trên 2.000 giạ muối, có vụ kỷ lục tới 3.000 giạ. Mỗi giạ muối già, hạt đặc và chắc được 40 kg. Mỗi giạ muối non, hạt xốp và nhẹ được 35 kg. Xưa có muối mà không có giá. Vài năm gần đây có giá nhưng lại không có muối. Như năm rồi mưa quá trời, đến 29 Tết vẫn còn mưa, làm muối thất, ông chỉ thu được 850 giạ. Mỗi giạ mướn người cào, vác đã mất 9.000đ trong khi bán được có 51.000đ.
Bởi sinh tới 11 người con nên cuộc sống túng thiếu ông phải bán 1 ha ruộng muối đi mà trả nợ. 11 người con nhưng giờ chỉ có thằng út Nguyễn Văn Lợi 31 tuổi là theo nghiệp làm muối của bố. Nắng chang chang nó vẫn phải phơi lưng ra đồng và chỉ nắng mới làm được muối. Xưa vụ muối làm 3 tháng nhưng nay rút xuống làm 2 tháng bởi biến đổi khí hậu, mưa gió thất thường.
Tháng 10 nước rút khô thì móc mương, bừa mặt ruộng, kéo hủ lô nặng cả tạ lu cho phẳng đất rồi đưa nước vào. Dưới tác động của mặt trời phải 45-50 ngày sau nước bốc hơi, châm thêm nước mặn vào để cho dày rồi đợi 10-15 ngày thì thu, cào đợt một. Đợt sau phải mất 9-10 ngày nữa. Ba bốn đợt thu hoạch như thế trong 3 tháng là hết mùa muối. Bởi nghèo không có tiền để mua vải bạt làm muối trải bạt như người ta nên ông Bạc vẫn kèo kẽo làm muối kiểu thủ công.
Ông Nguyễn Văn Bạc đang làm động tác đẩy hủ lô để lu ruộng muối. Ảnh: Dương Đình Tường.
Mỗi m2 bạt hơn 30.000đ rồi tiền mua keo, tiền mướn người trải cho 3 ha ruộng muối phải cỡ 250-300 triệu - số tiền mà gần 80 tuổi như ông không dám mơ có một ngày được chạm vào chứ không nói là sở hữu. Làm muối trải bạt năng suất gấp đôi làm muối nền đất. Đã thế nó còn ra màu trắng tinh như cơm, được ưa chuộng, giá bán hơn 4.000-5.000đ/kg, trong khi muối hồng chỉ 3.000-4.000đ/kg.
Lớp già là thế, lớp trẻ ngày nay cũng nhạt lòng với muối nói chung mà nhất là muối nền đất nói riêng. Anh Nguyễn Thanh Sang ở ấp Vĩnh Tiến được bố truyền lại nghề làm muối trên nền đất vài năm thì phải bỏ để chuyển sang làm 2 ha muối trải bạt.
Năm 2021, anh thu được 20 tấn, năm 2022 anh thu được hơn 30 tấn. Anh không bán buôn cho lái với giá 3.000đ/kg mà chở muối đi bán lẻ cho người quanh xã hay trong huyện với giá 4.000đ/kg.
“Kể cả muối đất nếu bằng giá muối trải bạt tôi cũng vẫn làm muối trải bạt vì nhẹ công hơn, chỉ lăn sân có một lần, còn muối đất mỗi lần thu, dọn là một lần lăn sân. Lăn xong lại phải đợi 2-3 ngày cho sân cứng lại mới vào nước được trong khi đó muối trải bạt chỉ việc hốt lên là vào nước được ngay”…
Anh Nguyễn Thanh Sang và Nguyễn Thanh Mộng ở xã Vĩnh Thịnh chất muối hồng lên xe để đi bán lẻ. Ảnh: Dương Đình Tường.
Cả một buổi chiều hôm đó tôi ngồi toàn nghe những lời than vãn, những nỗi đắng cay của nghề làm muối thủ công. Cho đến tối ngồi ở nhà anh Cổ Tân Xuyên - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu, lắng nghe cả trời tâm sự mới thấy rất nhiều sự tiên phong, táo bạo ở trong đó, mới thấy có chút ánh sáng cuối đường hầm cho hạt muối hồng.
Theo nguồn của Báo Nông nghiệp Việt Nam