Đưa nông dân lên sàn thương mại điện tử - bước chuyển biến tích cực trong thanh toán không dùng tiền mặt ở nông thôn
Sáng 01/12 tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Ngày nông dân không dùng tiền mặt”. Đây là hội thảo nằm trong chuỗi các sự kiện của chương trình “Tự hào nông dân Việt Nam 2021” được tổ chức thường niên và trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025.
Đề án này đặt mục tiêu tạo sự chuyển biến tích cực và từng bước phát triển về thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa với các chỉ tiêu cụ thể như: từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản; số lượng điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt lên trên 450.000 điểm; tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 20 - 25% mỗi năm…
Toàn cảnh Hội thảo“Ngày nông dân không dùng tiền mặt”
Hội thảo do ông Phạm Tiến Nam, Phó Chủ tịch Trung ương Hội nông dân; ông Phạm Tiến Dũng; Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ Thông tin truyền thông và Nhà báo Lưu Quang Định, Tổng biên tập Báo Nông thôn Ngày nay chủ trì. Hội thảo đồng thời có sự tham gia của đông đảo các nông dân tiêu biểu toàn quốc cùng Lãnh đạo một số Ngân hàng, Viettel Pay, sàn thương mại điện tử Voso. Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung tham luận, thảo luận về 2 chủ đề chính: Chính sách, hành lang pháp lý thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa; các giải pháp, sản phẩm thúc đẩy TTKDTM để giới thiệu đến cho người nông dân những cơ chế chính sách, lợi ích của hoạt động TTKDTM. Các tham luận và phần hỏi đáp tại Hội thảo tập trung vào một số nội dung như: Xu hướng chuyển đổi số, thanh toán số, các sản phẩm dịch vụ mới trong thực tiễn, phương thức thanh toán mới Mobile Money, các giải pháp truyền thông giáo dục tài chính cho người dân khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa…
Covid-19 đã đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người tiêu dùng trở nên quen thuộc với việc mua sắm trực tuyến hơn. Dự kiến sắp tới, số lượng người tiêu dùng tiếp tục mua sắm những mặt hàng thiết yếu qua kênh thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng gia tăng. Cùng với hạ tầng logistics đang ngày càng hiện đại, mở rộng về khu vực nông thôn, miền núi, người tiêu dùng ở những khu vực này sẽ dễ dàng tham gia mua sắm trực tuyến.
Trong những năm trở lại đây, những người tiêu dùng có thói quen mua sắm trong các siêu thị, trung tâm thương mại có xu hướng chuyển đổi từ việc thanh toán truyền thống sang thanh toán điện tử. Đặc biệt, trong bối cảnh phức tạp của dịch Covid-19, TMĐT trở thành một phương thức mua bán hữu hiệu không chỉ cho doanh nghiệp Việt mà còn mang đến nhiều cơ hội mới. Bên cạnh đó, ngành TMĐT phát triển kéo theo sự phát triển của thanh toán điện tử vì hàng hóa, sản phẩm được mua trên các sàn TMĐT 90% được thanh toán online thông qua thẻ ngân hàng. Mặc dù, Việt Nam cũng là một trong những nước bị ảnh hưởng bởi đại dịch thế kỷ nhưng các giao dịch qua Internet, điện thoại di động tăng trưởng đến 238% (Sách trắng TMĐT 2020 – Cục TMĐT và KTS), như vậy, lợi ích từ thanh toán điện tử là điều hiển nhiên không thể chối bỏ.
Xu hướng hạn chế sử dụng tiền mặt cũng sẽ dần trở nên phổ biến. Theo Sách trắng TMĐT Việt Nam 2020, 12% người tiêu dùng cho rằng cách thức thanh toán phức tạp là một trở ngại khi mua hàng trực tuyến. Các giải pháp thanh toán điện tử vừa đơn giản, dễ sử dụng, vừa đảm bảo tính bảo mật, an toàn sẽ được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn. Mới đây, dịch vụ Mobile – Money được đưa vào thí điểm sẽ giúp cho việc thanh toán những giao dịch giá trị nhỏ trở nên dễ dàng, thuận tiện, phù hợp với đối tượng khách hàng ở khu vực nông thôn.
Để đáp ứng được yêu cầu phát triển của thanh toán điện tử thì các ví điện tử, các ứng dụng công nghệ mới trong thanh toán, các mô hình fintech thì thanh toán điện tử trong TMĐT ngoài việc phải tối ưu về trải nghiệm người dùng, đảm bảo nhanh, tiện, đơn giản thì còn cần phải đề cao tính bảo mật của hệ thống, đảm bảo về an ninh thông tin của người tiêu dùng.
Trong kế hoạch phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2021 – 2025, một trong những hạ tầng trọng yếu để phát triển thị trường bền vững là Hạ tầng thanh toán điện tử trong thương mại điện tử, xây dựng và chuyển đổi thói quen của người tiêu dùng và xã hội từ thanh toán tiền mặt, COD sang thanh toán điện tử. Để đạt mục tiêu này, trong 5 năm qua, Cục TMĐT và KTS – Bộ Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc phát triển Nền tảng hỗ trợ giao dịch trực tuyến tích hợp thanh toán KeyPay (Hệ thống thanh toán thương mại điện tử quốc gia KeyPay). Trong năm 2021, Cục TMĐT và KTS cũng sẽ đẩy mạnh triển khai và hoàn thiện nền tảng tín nhiệm thương mại điện tử, trong đó hệ thống thanh toán đảm bảo ESCROWN và giải quyết tranh chấp trực tuyến TrustOn theo mô hình giải quyết tranh chấp giữa người mua và người bán nhằm bảo vệ lợi ích của các bên trong giao dịch sẽ góp phần vào việc phát triển thanh toán điện tử.
Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, bên cạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho TMĐT đáp ứng nhu cầu thay đổi của thị trường, bắt kịp với các xu hướng, mô hình mới của thương mại điện tử trên thế giới và tại Việt Nam, điểm quan trọng trong kế hoạch phát triển TMĐT trong giai đoạn 5 năm tới sẽ là đổi mới mô hình quản lý, ứng dụng các công nghệ vào trong quá trình quản lý, giám sát thực thi pháp luật trong lĩnh vực thương mại điện tử. Cụ thể, các giải pháp về dữ liệu, đánh giá tín nhiệm các chủ thể trong TMĐT sẽ được triển khai, các giải pháp về quản lý, giải quyết khiếu nại điện tử sẽ là những nền tảng quan trọng được ứng dụng để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong khi tham gia giao dịch. Ngành Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với ngành Ngân hàng để triển khai nền tảng uy tín của các doanh nghiệp, nhà bán hàng trong thương mại điện tử nhằm đảm bảo thị trường minh bạch, chất lượng.
Trong thời gian tới, thực hiện Quyết định số 645/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 15 tháng 5 năm 2020 phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021-2025, ngành Công Thương cũng sẽ tiếp tục phối hợp với ngành Ngân hàng thực hiện các giải pháp để phát triển TMĐT, cụ thể:
- Tiếp tục cải thiện khung khổ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các nền tảng thanh toán điện tử dựa trên ứng dụng công nghệ tiên tiến, có giải pháp cho phép thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với những nền tảng thanh toán điện tử mới;
- Ban hành các chính sách, quy định và triển khai các giải pháp toàn diện nhằm tăng tỷ lệ thanh toán điện tử, thanh toán trên nền tảng di động trong giao dịch trực tuyến và giảm tỷ lệ sử dụng tiền mặt, phương thức giao hàng nhận tiền (COD) trong thương mại điện tử;
- Phát triển các hạ tầng, giải pháp hỗ trợ giao dịch điện tử tích hợp thanh toán trong thương mại điện tử; chú trọng phát triển các tiện ích thanh toán trên nền tảng di động, ví điện tử, mã QR code, NFC, POS...; đảm bảo an ninh, an toàn thanh toán để góp phần thúc đẩy thanh toán điện tử trong giao dịch thương mại điện tử.
Đối với định hướng phát triển thị trường TMĐT, sau giai đoạn phát triển chiều rộng, định hướng của giai đoạn sắp tới là phát triển về chiều sâu, tức là làm tăng giá trị đơn hàng giao dịch trực tuyến, người tiêu dùng tin tưởng đặt các mặt hàng có giá trị lớn qua TMĐT. Để làm được điều này, các chính sách phát triển TMĐT trong giai đoạn tới sẽ tập trung nâng cao các tiêu chuẩn trong thương mại điện tử, hoàn thiện nền tảng tín nhiệm thương mại điện tử bao gồm: Thanh toán đảm bảo, Xác thực thông tin giao dịch, Giao hàng tiêu chuẩn, Chứng từ điện tử và kết hợp các giải pháp đánh giá tín nhiệm của người bán hàng.
Đối với băn khoăn của người nông dân trong việc cần phải xây dựng, tổ chức các điểm giao dịch có quy mô như sàn giao dịch thương mại điện tử để ứng dụng TTKDTM ở khu vực nông thôn trở nên phổ biến hơn với người nông dân, cũng như có chính sách khuyến khích doanh nghiệp mở sàn giao dịch thương mại điện tử ở khu vực nông thôn, vùng xa, vùng miền núi, ông Bùi Huy Hoàng – Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương chia sẻ, trong thời gian vừa qua, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã triển khai rất nhiều chương trình tập trung hỗ trợ tiêu thụ nông đặc sản của các vùng miền, địa phương trên cả nước thông qua việc phối hợp với các sàn thương mại điện tử và đạt được nhiều kết quả hết sức tích cực.
Với góc độ là cơ quan quản lý, ông Hoàng cho biết, không có hạn chế nào trong việc mở các sàn giao dịch thương mại điện tử cũng như các website thương mại điện tử. Sàn hay website thương mại điện tử cũng có thể hình dung như một cửa hàng hay một siêu thị bán hàng của doanh nghiệp hay cá nhân trên môi trường số, quan trọng là thực thể hàng hóa được lưu thông từ vùng miền này đến các vùng miền khác, chứ không phải là vị trí mở Sàn thương mại điện tử nông thôn hay thành thị. Việc mở một trang thương mại điện tử về mặt kỹ thuật không khó, nhưng để trang thương mại điện tử đó vận hành tốt, quảng bá tốt sao cho có nhiều người mua hàng hóa qua sàn giao dịch thương mại điện tử đó là vấn đề cần quan tâm.
Bên cạnh đó, để có thể vận hành một sàn giao dịch thương mại điện tử đòi hỏi cần có nhiều nguồn lực, cả về số lượng nhân sự và năng lực nhân sự... Do vậy các hộ nông dân, hợp tác xã hoàn toàn có thể liên kết với các sàn thương mại điện tử hiện nay với các chuyên mục nông sản như Voso, Sendo Farm, Postmart, Shopee Farm... có sẵn năng lực vận hành, có khả năng hỗ trợ thanh toán trực tuyến, có khả năng giúp nông sản vận chuyển tới tay người tiêu dùng trên khắp vùng miền. Qua đó cũng có thể tận dụng thêm nguồn lực hỗ trợ trực tiếp từ các Bộ ngành Trung ương, các sàn thương mại điện tử đối tác để việc tiêu thụ nông sản đạt được kết quả và hiệu quả tốt nhất.
Theo nguồn của Báo Công Thương