Sàn thương mại điện tử hợp nhất

Thương mại điện tử bán lẻ sẽ trở thành ngành xuất khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam

Kịch bản cao, các doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ Việt Nam được hỗ trợ, tăng xuất khẩu online thì kim ngạch có thể đạt 12 tỷ USD, tức 296.300 tỷ đồng vào 2027.

Cơ hội gia tăng, tiềm năng rộng mở

Theo "Báo cáo hoạt động 2023: Trao quyền cho doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam" của Amazon Global Selling Việt Nam vừa công bố cho thấy, trong vòng 12 tháng tính đến hết ngày 31/8/2023, các đối tác bán hàng Việt Nam đã bán ra hơn 17 triệu sản phẩm trên Amazon, giá trị xuất khẩu tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm trước.

Hàng nghìn doanh nghiệp Việt đang bán hàng và xuất khẩu hàng hóa thông qua Amazon. Trong vòng 12 tháng, số lượng đối tác bán hàng Việt Nam trên Amazon đã tăng hơn 40%.

Báo cáo cũng chỉ ra hai khả năng phát triển với xuất khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới đến 2027. Trong đó, kịch bản thông thường, kim ngạch xuất khẩu lĩnh vực này có thể đạt 5 tỷ USD (tương đương 124.200 tỷ đồng).

Kịch bản cao, các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ Việt Nam được hỗ trợ, tăng xuất khẩu online thì kim ngạch có thể đạt 12 tỷ USD, tức 296.300 tỷ đồng vào 2027. Mức này cao hơn 2,4 lần so với kịch bản thông thường và thương mại điện tử bán lẻ sẽ trở thành ngành xuất khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam.

Thương mại điện tử bán lẻ sẽ trở thành ngành xuất khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam
Kịch bản cao, các doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ Việt Nam được hỗ trợ, tăng xuất khẩu online thì kim ngạch có thể đạt 12 tỷ USD, tức 296.300 tỷ đồng vào 2027.

Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam đạt gần 356 tỷ USD, theo số liệu của Tổng cục Thống kê. Năm nhóm ngành có kim ngạch xuất khẩu trên 20 tỷ USD, gồm điện tử - máy tính và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy móc - thiết bị; dệt may và nông - lâm, thủy sản.

Amazon Global Selling đánh giá hàng Việt có cơ hội tăng xuất khẩu online khi tiêu dùng toàn cầu tiếp tục dịch chuyển từ offline sang online. Dự kiến quy mô thị trường bán lẻ online năm nay là hơn 31,3 tỷ USD, chiếm gần 13% bán lẻ toàn cầu. Con số này sẽ tăng lên hơn 40,5 tỷ USD vào 5 năm tới, tương đương 15% tiêu dùng toàn cầu.

Hiện 5 ngành hàng "made in Vietnam" bán chạy nhất, gồm nhà cửa, nhà bếp, sức khỏe - chăm sóc cá nhân, may mặc và làm đẹp. Báo cáo đánh giá danh mục này phản ánh kinh nghiệm sản xuất lâu năm và các mũi nhọn xuất khẩu của Việt Nam như nội thất, trang trí nhà cửa, may mặc.

Báo cáo nhận định, đà tăng của các ngành hàng mới nổi như sức khỏe - chăm sóc cá nhân và làm đẹp, giúp bức tranh xuất khẩu trực tuyến của Việt Nam ngày càng rộng mở. Báo cáo cũng chỉ ra, số lượng đối tác bán hàng Việt Nam có doanh thu vượt mức 100.000 USD trên Amazon tăng trưởng 70%.

Thực tế, để thích ứng với xu hướng kinh doanh mới, các nhà sản xuất truyền thống đã chuyển trọng tâm sang xuất khẩu trực tuyến B2C, như nội ngoại thất gỗ Beefurni; các công ty khởi nghiệp kinh doanh trên Amazon và chú trọng xây dựng thương hiệu quốc tế từ bước đầu, như gỗ gia dụng, nhà bếp và trang trí Tidita, thương hiệu làm đẹp Abera.

"Dù thách thức, các doanh nghiệp kể trên đã mạnh mẽ vươn mình phát triển với thương mại điện tử xuyên biên giới, đồng thời khích lệ các doanh nghiệp trong nước, ở mọi quy mô, loại hình kinh doanh, nắm bắt cơ hội xuất khẩu thương hiệu và sản phẩm trực tiếp đến khách hàng toàn cầu" – báo cáo nêu.

Với những minh chứng rõ nét từ nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng tin tưởng, lựa chọn mua sắm trực tuyến như một phương thức mua sắm hiệu quả đã cho thấy "mảnh đất" nhiều màu mỡ và tiềm năng này. Cũng chung nhận định, theo hãng tư vấn Access Partnership (Anh) dự báo, doanh thu xuất khẩu qua thương mại điện tử ở Việt Nam có thể tăng lên 5,5 tỷ USD (124.200 tỷ đồng) vào năm 2027, với tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 9%.

Theo bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (iDEA) - Bộ Công Thương, thương mại điện tử xuyên biên giới được đánh giá có nhiều tiềm năng và phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế số Chính phủ đề ra. Hiện tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam đã cao gấp 2,3 lần so với tốc độ tăng trưởng bình quân của thương mại điện tử nói chung.

Con số ước tính được bà Lại Việt Anh đưa ra tại một cuộc hội thảo do Cục phối hợp Amazon Global Selling tổ chức vào hồi giữa năm cho thấy, nếu các doanh nghiệp được tham gia vào đào tạo, kỹ năng, thông tin và hỗ trợ vào thương mại điện tử xuyên biên giới thì ước tính năm 2026, kim ngạch xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ đạt 11,1 tỷ USD và lên 12,5 tỷ USD vào năm 2027.

Số liệu từ Amazon Global Selling cũng cho thấy rõ xu hướng này khi khẳng định: Cộng đồng người bán hàng xuyên biên giới trên nền tảng thương mại điện tử Amazon cũng tăng trưởng rất cao trong những năm qua (tăng đến 80% về số lượng, 45% về giá trị xuất khẩu).

Có thể nói đối với doanh nghiệp Việt Nam, thương mại điện tử và bán hàng xuyên biên giới đang mở ra những cơ hội mới và tiềm năng lớn. Việc tham gia vào thương mại điện tử giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng toàn thế giới, điều này mở rộng thị trường tiêu thụ và tạo ra nguồn thu lớn.

Việc xuất khẩu hàng hóa thông qua thương mại điện tử giúp gia tăng doanh số bán hàng và mở rộng quy mô sản xuất. Đồng thời, doanh nghiệp cũng có thể nhập khẩu các nguyên liệu và sản phẩm chất lượng từ các thị trường quốc tế để nâng cao chất lượng sản phẩm và cạnh tranh trên thị trường.

Doanh nghiệp cần nhập cuộc nhanh với xu thế

Cũng theo báo cáo từ Bộ Công Thương, hiện hầu hết các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ ở Việt Nam đang xuất khẩu sang phần còn lại của Đông Nam Á và Trung Quốc và đây tiếp tục được coi là hai khu vực xuất khẩu lớn nhất.

Trong 5 năm tới Nhật Bản, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu sẽ là những thị trường nổi trội cần được ưu tiên. Tuy nhiên thông tin, nhu cầu khách hàng, thị hiếu và những tiêu chí mà các nước châu Âu, Hoa Kỳ đưa ra khá khắt khe mà doanh nghiệp Việt Nam, phần lớn chưa nắm vững các quy định này.

Hiện có nhiều nền tảng thương mại điện tử tại Việt Nam đang hỗ trợ doanh nghiệp bán hàng xuyên biên giới như Alibaba, Global Sources, TradeKe, Made-in-China, Shopee, Lazada, Tiki, Sendo… Tuy nhiên, theo đại diện Bộ Công Thương, không phải nền tảng thương mại điện tử nào cũng sẵn sàng “cầm tay chỉ việc” cho doanh nghiệp một cách rõ ràng về cách thức bán hàng xuyên biên giới qua thương mại điện tử.

Thương mại điện tử bán lẻ sẽ trở thành ngành xuất khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam
Trong 5 năm tới Nhật Bản, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu sẽ là những thị trường nổi trội cần được ưu tiên.

Trong khi đó, quy định về thị trường xuất khẩu rất khắt khe, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt phải nỗ lực để cạnh tranh và thích ứng tiêu chí, quy định của sản phẩm và môi trường thương mại điện tử xuyên biên giới. Cùng với đó, vấn đề thông tin, nhân sự và đặc biệt là chi phí… khi tính bài toán xuất khẩu qua xuyên biên giới cũng là rào cản cho doanh nghiệp Việt Nam.

"Thương mại điện tử là một trong các xu hướng lớn tiếp theo dành cho các doanh nghiệp muốn phát triển toàn cầu", Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam nhận định. Bên cạnh đó, ông Gijae Seong cũng đặt ra câu hỏi, liệu các doanh nghiệp có thể tận dụng xu hướng này nhanh chóng, nắm bắt nhu cầu tiêu dùng toàn cầu và xây dựng kế hoạch tăng trưởng dài hạn hay không?

Cùng với đó, Access Partnership cũng chỉ ra nhiều thách thức mà các doanh nghiệp Việt phải đối mặt như về giao dịch trực tuyến khi chịu thuế hải quan cao hơn và chi phí hậu quần xuyên biên giới đắt đỏ.

Để tận dụng tối đa cơ hội xuất khẩu thương mại điện tử, hãng tư vấn của Anh lưu ý các doanh nghiệp cần được hỗ trợ pháp lý và tài chính nhiều hơn. Các biện pháp như thiết lập các khu thương mại điện tử xuyên biên giới, cung cấp các khoản tài trợ xuất khẩu và thương mại điện tử sẽ đóng vai trò then chốt.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số cũng như đồng hành cùng doanh nghiệp trong hành trình vươn ra thị trường quốc tế, ứng dụng thương mại điện tử, theo bà Lại Việt Anh, thời gian qua Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, quy định, nghị định và văn bản.

Đơn cử như Nghị định số 80/2021/NĐ-CP hướng dẫn luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đưa ra những mức hỗ trợ rất cụ thể (như 50% chi phí mở và duy trì gian hàng) đối với doanh nghiệp trong quá trình ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số; hoặc khi tham gia bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử lớn.

Hay Quyết định số 645/QĐ-TTg về Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, với rất nhiều giải pháp như nâng cao năng lực, đào tạo cho doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử, hỗ trợ cho doanh nghiệp chuyển đổi số, mở website, tham gia các sàn thương mại điện tử...

Một văn bản nữa là Quyết định số 1415/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2030”, trong đó nội dung hỗ trợ doanh nghiệp tham gia bán hàng thương mại điện tử xuyên biên giới là một giải pháp cốt lõi.

Theo nguồn của Báo Công Thương

Trang conBanner trang con 2Banner trang conBanner trang con 1