Cùng nông dân đưa nông sản Việt lên sàn thương mại điện tử
Nông dân livestream bán vải tại Bắc Giang. Ảnh: Tỉnh đoàn Bắc Giang
Livestream từ thủ phủ vải thiều
Vải thiều Bắc Giang năm nay ước đạt sản lượng 180.000 tấn. Đến thời điểm cuối tháng 6, tỉnh Bắc Giang đã tiêu thụ được hơn 150.000 tấn, trong đó xuất khẩu 84.000 tấn, thị trường trong nước tiêu thụ 66.000 tấn. Giá vải thiều trung bình từ 10.000 - 30.000 đồng/kg. Vải được mùa lại được cả giá và tiêu thụ thuận lợi do tỉnh Bắc Giang đã đa dạng hóa các hình thức tiêu thụ.
Ngoài xuất khẩu, cơ quan chức năng và bà con nông dân đẩy mạnh tiêu thụ trong nước thông qua các sàn thương mại điện tử, đặc biệt thông qua việc livestream trên các nền tảng mạng xã hội. Đặc biệt, nhiều hợp tác xã và bà con nông dân đã thường xuyên tổ chức livestream (phát trực tiếp) trên mạng xã hội tiktok tại vườn và chốt đơn hàng.
Không chỉ vải thiều, nhiều mặt hàng nông sản khác tại Bắc Giang như dưa lê, khoai sọ, lạc cũng được bà con nông dân đưa "lên sàn".
Bà Nguyễn Thị Vân (65 tuổi), ở huyện Lục Ngạn, Bắc Giang cho biết, gần đây bà đã sử dụng trang Facebook cá nhân để quảng cáo bán hàng. Bà Vân cho biết: “Tôi bán đủ thứ trên Facebook, mùa nào thức ấy từ dưa lê, lạc, khoai sọ, vải thiều. Mới đây tôi bán được gần 1 tạ vải thiều và gần 50 kg khoai sọ qua Facebook. Khách hàng chủ yếu là người trong huyện, tôi nhờ con gái và con rể vận chuyển hàng giúp".
Bên cạnh bán nông sản qua mạng xã hội, nhiều người dân ở Bắc Giang còn bán hàng trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn (của Bưu điện Việt Nam).
Theo số liệu từ Bưu điện tỉnh Bắc Giang, toàn tỉnh hiện có 7.786 gian hàng của các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình đăng kí hoạt động trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn. Từ đầu năm đến nay, các gian hàng này có 1.780 đơn hàng.
Ông Nguyễn Gia Phong - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang - cho biết, từ khi triển khai Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn theo Quyết định số 350 của Bộ Thông tin và Truyền thông, địa phương này đã đưa thành công 132 sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử.
Theo ông Phong, trong quá trình đưa nông sản lên sàn, khó khăn nhất của các địa phương là việc triển khai đào tạo, nâng cao kĩ năng số cho người dân.
Một người nông dân Bắc Giang trong livestream bán vải thiều. Ảnh: Trần Tuấn
1 triệu giao dịch về nông sản qua sàn thương mại điện tử
Thống kê của Vụ Bưu chính (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, kể từ khi Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn được triển khai, từ tháng 8.2022 đến tháng 6.2023, đã có hơn 5,4 triệu tài khoản hoạt động trên 2 sàn Vỏ sò và Postmart.
Kết quả tổng hợp báo cáo từ các địa phương cho thấy, đã có tổng cộng 7.637 sản phẩm OCOP được lên sàn. Số giao dịch qua các sàn thương mại điện tử đạt gần 1 triệu giao dịch, với tổng giá trị đạt 217,1 tỉ đồng. Giá trị 1 giao dịch/sản phẩm khoảng 220.000 đồng/giao dịch/sản phẩm.
Tại các địa phương, đã có 568 khóa đào tạo, tập huấn được triển khai nhằm giúp người dân quen thuộc hơn với hoạt động mua bán online. Hơn 8,4 triệu người đã được đào tạo, tập huấn thông qua các hoạt động này.
Theo nguồn của Báo Lao Động